Đo đa ký giấc ngủ là gì?
Đa ký giấc ngủ (Polysomnography) là phương pháp khách quan theo dõi cấu trúc giấc ngủ, rối loạn hô hấp và các thông số về hô hấp tim mạch. Đa ký giấc ngủ thường yêu cầu người bệnh ngủ lại một đêm tại phòng khám.
Ngoài để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, đa ký giấc ngủ còn là phương pháp để quyết định việc điều trị như thế nào và theo dõi kế hoạch điều trị ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ.
Đa ký giấc ngủ là sự kết hợp giữa điện não đồ và đa ký hô hấp để cung cấp các thông số trong giấc ngủ bao gồm:
• Lưu lượng khí thở
• Độ bão hòa oxy trong máu.
• Nhịp tim.
• Điện não (EEG).
• Hoạt động điện của cơ bắp (điện cơ – EMG).
• Chuyển động mắt (nhãn cầu đồ - EOG).
• Cử động chân.
• Vận động thành ngực, bụng.
• Tư thế cơ thể.
• Ngáy.
Tại sao lại cần đo đa ký giấc ngủ?
Giấc ngủ trải qua 2 giai đoạn chính:
• Chuyển động mắt nhanh (REM). Trong trường hợp bình thường, não sẽ hoạt động nhiều hơn trong giai đoạn này, nhưng ngoại trừ cơ mắt và cơ thở, các cơ còn lại sẽ không cử động trong giai đoạn ngủ này.
• Chuyển động mắt không nhanh (NREM). Trong giai đoạn này, hoạt động não diễn ra chậm hơn. NREM được chia thành 3 giai đoạn và có thể được phát hiện bằng sóng não (EEG).
Giai đoạn REM xen kẽ giai đoạn NREM khoảng 90 phút một lần. Thông thường, một người sẽ trải qua 4-5 chu kỳ chuyển đổi REM-NREM trong một buổi tối. Rối loạn giấc ngủ có thể làm rối loạn quá trình này.
Đa ký giấc ngủ thường được bác sĩ chỉ định để:• Chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ có hội chứng ngưng thở khi ngủ.
• Chẩn đoán các trường hợp rối loạn hô hấp khi ngủ ở bệnh nhân bị bệnh hô hấp, suy tim, béo phì, suy giáp, bệnh lý thần kinh…
• Chẩn đoán các trường hợp rối loạn vận động và hành vi khi ngủ như: hội chứng chân không yên, cử động chi có chu kỳ, nghiến răng, mộng du, cơn hoảng sợ ban đêm, nói mớ khi ngủ…
• Chẩn đoán chứng ngủ rũ.
• Chẩn đoán phân biệt động kinh khi ngủ với các rối loạn vận động và hành vi khi ngủ.
• Chẩn đoán các tình trạng rối loạn liên quan đến giấc ngủ khác.
• Chẩn đoán các tình trạng gây ra mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu.
• Theo dõi hiệu quả điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục ở bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Ai cần phải đo đa ký giấc ngủ?
• Những người bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, ngủ ngáy, hay thức giấc nửa đêm, dậy quá sớm và không thể ngủ trở lại.
• Người mắc chứng ngủ rũ, ngủ quá nhiều mỗi ngày, không thể kiểm soát được cơn buồn ngủ, có thể ngủ gục bất thình lình và vẫn cảm thấy mệt mỏi.
• Người nghi ngờ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt là những người có biểu hiện ngưng thở trong lúc ngủ, ngáy to, mệt mỏi hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
• Người có triệu chứng của hội chứng chân không yên, thường xuyên cảm thấy cần phải vận động chân hoặc có cảm giác khó chịu ở chân, đặc biệt vào buổi tối hoặc khi nằm nghỉ.
• Người hay gặp ác mộng, bị mộng du, đi lại hoặc thực hiện các hoạt động khác trong lúc đang ngủ mê sâu.
• Người cần được đánh giá trước khi tiến hành điều trị rối loạn giấc ngủ, rối loạn ngưng thở khi ngủ.
• Người có các vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ như lên cơn động kinh, co giật vào ban đêm hoặc có các hành vi không bình thường trong giấc ngủ.
Cách tiến hành đo đa ký giấc ngủ được thực hiện thế nào?
Phương pháp đo đa ký giấc ngủ ghi lại nhiều loại hoạt động sinh lý trong giấc ngủ của một cá nhân. Quy trình đo đa ký giấc ngủ được thực hiện như sau:
• Chuẩn bị: Trước khi thực hiện, người bệnh sẽ được yêu cầu tránh sử dụng caffeine và cồn. Khi đến phòng bệnh, người bệnh sẽ mặc đồ ngủ và chuẩn bị để đi ngủ như bình thường.
• Gắn cảm biến: Các cảm biến nhỏ sẽ được dán lên da của bệnh nhân ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm:
• Dòng điện não (EEG): Để theo dõi hoạt động não bộ
• Chuyển động mắt (EOG): Để xác định các giai đoạn giấc ngủ
• Nhịp tim: Thông qua cảm biến trên ngực
• Dòng điện cơ (EMG): Để theo dõi hoạt động của cơ bắp, đặc biệt là cơ bắp dưới cằm để theo dõi giấc ngủ REM
• Lưu lượng hô hấp: Được ghi lại thông qua cảm biến dán ở mũi và miệng
• Sự co giật của cơ bắp: Được ghi lại bằng cách dán cảm biến ở ngoài cổ họng
• Nồng độ oxy trong máu: Được theo dõi thông qua một cảm biến đặt ở đầu ngón tay hoặc lỗ tai.
• Theo dõi: Khi người bệnh ngủ, các cảm biến sẽ ghi lại thông tin và truyền về hệ thống máy tính. Một kỹ thuật viên/ điều dưỡng viên sẽ theo dõi dữ liệu này trong suốt đêm từ một phòng khác để đảm bảo giữ môi trường phòng ngủ cho người bệnh giống như hằng ngày, giúp có kết quả đo đa ký giấc ngủ chính xác nhất.
• Giải quyết vấn đề: Trong trường hợp máy ghi nhận cảm biến bị lỗi hoặc cảm biến bong ra, kỹ thuật viên/điều dưỡng sẽ vào phòng để giải quyết.
• Đánh giá kết quả: Sáng hôm sau, các cảm biến sẽ được gỡ ra khỏi cơ thể người bệnh. Người bệnh có thể trở về nhà và tiếp tục các hoạt động sinh hoạt bình thường của mình. Dữ liệu thu thập được sau đó sẽ được một bác sĩ chuyên sâu về giấc ngủ phân tích, đánh giá. Kết quả của xét nghiệm đo đa ký giấc ngủ sẽ giúp xác định liệu người bệnh có mắc bệnh rối loạn giấc ngủ nào và quyết định liệu pháp điều trị phù hợp.
Ưu nhược điểm của đo đa ký giấc ngủ
1. Ưu điểm• Chính xác và chi tiết: Đo đa ký giấc ngủ cung cấp thông tin chi tiết về nhiều khía cạnh của giấc ngủ, bao gồm hoạt động của não bộ, mắt, cơ, lưu lượng hô hấp và nhịp tim,… Các thông tin này đều được cung cấp một cách chính xác nhất.
• Phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ: Đo đa ký giấc ngủ được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong việc chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ. Kỹ thuật này cũng có khả năng phát hiện nhiều rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ, hội chứng chân không yên và các rối loạn hành vi khi ngủ như mộng du chẳng hạn.
• An toàn: Đo đa ký giấc ngủ không xâm lấn, không gây đau đớn và không có rủi ro liên quan đến tác động trực tiếp lên cơ thể.
• Hỗ trợ điều trị hiệu quả: Đối với những người đã được chẩn đoán và đang điều trị rối loạn giấc ngủ, đo đa ký giúp đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị để có thể kịp thời cần thiết chỉnh sửa nếu cần.
2. Nhược điểm• Chi phí cao: Chi phí đo đa ký giấc ngủ có thể cao do yêu cầu sử dụng trang thiết bị chuyên dụng và sự giám sát của điều dưỡng trong suốt quá trình thực hiện. Tối thiếu khoảng 5 triệu vnđ cho một đêm đo tại bệnh viện.
• Mất tự nhiên: Ngủ tại một môi trường lạ lẫm như phòng ngủ của bệnh viện có thể làm cho một số người cảm thấy không thoải mái hoặc căng thẳng, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
• Thời gian chờ đợi: Việc đặt lịch và thực hiện đo đa ký giấc ngủ có thể mất thời gian, và kết quả cũng không được cung cấp ngay nên người bệnh cần quay lại bệnh viện sau một khoảng thời gian.
• Chỉ dựa trên kết quả của một đêm: Dựa trên kết quả từ chỉ một đêm ngủ có thể không phản ánh chính xác tình trạng giấc ngủ thực sự của bệnh nhân, đặc biệt khi người bệnh bị ảnh hưởng bởi áp lực hoặc môi trường lạ.
Dù có những ưu và nhược điểm, đo đa ký giấc ngủ vẫn được coi là công cụ chẩn đoán quan trọng và cần thiết trong việc nghiên cứu và điều trị các rối loạn giấc ngủ.
Đo đa ký giấc ngủ ở đâu?
Đo đa ký giấc ngủ là kỹ thuật yêu cầu thiết bị tốn kém, khó sử dụng rộng rãi nên không phải cơ sở y tế nào cũng trang bị thiết bị này, đa phần chỉ những bệnh viện tuyến trên mới có. Nên được thực hiện tại những bệnh viên có chuyên khoa hô hấp được trang bị máy đa ký giấc ngủ với đội ngũ bác sỹ được đào tạo chuyên sâu về hô hấp – giấc ngủ. Phòng đo đa ký giấc ngủ nằm riêng biệt, được trang bị giường ngủ êm ái, đèn ánh sáng nhẹ, tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh. Ngoài ra, phòng khám còn trang bị thêm giường phụ cho người thân đi cùng.
